Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Lấy ý nhân dân kiến góp ý vào dự thảo quy chế về quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn xã Tiến Lộc

Thời gian lấy ý kiến góp ý vào dự thảo quy chế quản lý nghĩa trang trên địa bàn xã Tiến Lộc từ ngày 05/5/2023 đến hết ngày 15/5/2023.

ỦY BAN NHÂN DÂN

XÃ TIẾN LỘC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số:        /QĐ-UBND

                                Tiến Lộc, ngày        tháng      năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành Quy chế về quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn xã Tiến Lộc 

ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ TIẾN LỘC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2020;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;

Căn cứ Luật Đất đai năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, có hiệu lực kể từ ngày 27 tháng 5 năm 2016, được sửa đổi, bổ sung bởi:Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.

Căn cứ Thông tư số 06/2021/TT-BXD ngày 20 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng;

Sau khi thống nhất cùng Thường trực Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc xã và các tổ chức chính trị xã hội; Xét đề nghị của Công chức Địa chính- xây dựng – Môi trường xã Tiến Lộc.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế về quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn xã Tiến Lộc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Công chức  Văn phòng-Thống kê,  các thành viên UBND, cán bộ công chức xã, Trưởng các thôn, các ban, ngành, đoàn thể và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

- Như điều 3 QĐ(T/h);

- UBND Huyện Hậu Lộc(B/c);

- TTr.Đảng ủy - HĐND - UBND xã(B/c);

- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân(P/h);

- 5 thôn(T/h);

- Lưu: VP.

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

 

 

 

 

 

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN
XÃ TIẾN LỘC

“Dự thảo”

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


 

 

QUY CHẾ

Quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn xã Tiến Lộc

(Ban hành kèm theo Quyết định số:      /QĐ-UBND ngày     tháng    năm 2023

của Ủy ban nhân dân xã Tiến Lộc)

 

 

 

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định việc quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn xã Tiến Lộc “Khu vực nghĩa trang (Cồn Diệp, Đàng Chợ thôn Thị Trang); Khu vực nghĩa trang (Mã Lầy thôn Bùi); Khu vực nghĩa trang (Má Ngơn thôn Xuân Hội); Khu vực nghĩa trang (Bái Tràm thôn Sơn); Khu vực nghĩa trang (Bản Giới thôn Ngọ)” và các hoạt động tổ chức mái táng, di dời hài cốt, xây dựng, tu sủa mồ mã, lăng mộ tại các nghĩa trang thuộc địa bàn xã Tiến Lộc.

2. Đối tượng áp dụng: Quy chế này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn xã.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nghĩa trang là nơi an táng người chết tập trung theo các hình thức an táng khác nhau, thuộc các đối tượng khác nhau, được UBND xã quy hoạch; xây dựng và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Phần mộ cá nhân là nơi táng thi hài, hài cốt của một người.

3. Táng là thực hiện việc lưu giữ thi hài hoặc hài cốt của người chết.

4. Hung táng là hình thức mai táng thi hài trong một khoảng thời gian nhất định sau đó sẽ được cải táng.

5. Cải táng là thực hiện việc chuyển xương cốt từ mộ hung táng sang hình thức khác.

6. Cát táng là hình thức mai táng hài cốt sau khi cải táng.

7. Dịch vụ nghĩa trang bao gồm: Tổ chức mai táng thi hài, hài cốt phục vụ việc thăm viếng, tưởng niệm, các dịch vụ vệ sinh, chăm sóc, bảo vệ cây xanh... trong khuôn viên nghĩa trang.

8. Quản lý nghĩa trang là việc thực hiện các nội dung theo quy chế quản lý đã được phê duyệt.

9. Người sử dụng dịch vụ nghĩa trang là người đang sống có quan hệ với người được táng trong nghĩa trang hoặc đến thăm viếng, tưởng niệm…

Điều 3. Nguyên tắc quản lý và sử dụng nghĩa trang

1. Việc táng người chết phải được thực hiện trong các nghĩa trang. Không được táng người chết ngoài khu vực nghĩa trang, trừ trường hợp được chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

2. Việc táng người chết trong các nghĩa trang phải phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, nếp sống văn minh hiện đại và tuân thủ các quy định hiện hành về xây dựng, vệ sinh, môi trường.

3. Việc sử dụng đất, xây dựng nghĩa trang phải đúng mục đích và theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. UBND xã Tiến Lộc quản lý chung tất cả các nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn, giao Thôn trưởng các thôn trực tiếp tổ chức sắp xếp, trông coi, giám sát, theo dõi việc sử dụng nghĩa trang tại địa bàn thôn quản lý, giám sát trực tiếp việc hung táng, cát táng, di dời hài cốt, tu sửa, xây dựng mộ, đảm bảo các hoạt động trên phải được thực hiện trong nghĩa trang đã được quy hoạch; phù hợp với phong tục tập quán, tín ngưỡng, truyền thống văn hóa và nếp sống văn minh.

Mỗi khu nghĩa trang phải có một ban quản trang, trong đó có ít nhất 01 người quản trang trực tiếp trông coi, điều hành, báo cáo thôn trưởng sắp xếp vị trí khu mộ.

Điều 4: Chính sách áp dụng đối với các đối tượng đặc biệt

1. Người vô gia cư, không có thân nhân hoặc có thân nhân nhưng không có điều kiện lo việc táng, khi chết ở địa phương thì Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức táng.

2. Người không có thân nhân, sống ở địa phương khi chết Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm tổ chức táng với chi phí được lấy từ tài sản của người chết (nếu có) hoặc từ ngân sách của địa phương.

3. Đối với các trường hợp chết trên địa bàn do thiên tai, dịch bệnh, Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm hướng dẫn gia đình tổ chức táng cho người chết. Nếu không có thân nhân thì Ủy ban nhân dân xã tổ chức táng cho người chết với chi phí lấy từ ngân sách địa phương, bảo đảm yêu cầu về an toàn, vệ sinh phòng dịch, không gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 5. Các hành vi nghiêm cấm

1. Xây dựng mộ, bia mộ và các công trình trong nghĩa trang không đúng theo các quy định, không được cấp có thẩm quyền cho phép.

2. Phá hoại các công trình xây dựng trong nghĩa trang.

3. Xâm phạm khu vực xây dựng, phần lăng mộ của gia đình, dòng họ khác.

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi hoặc gây khó khăn cho người có nhu cầu sử dụng các dịch vụ nghĩa trang.

5. Thu phí, lệ phí, thực hiện kinh doanh các dịch vụ nghĩa trang trái với các quy định hiện hành của pháp luật.

6. An táng người chết ngoài phạm vi quy hoạch các nghĩa trang đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7. Vi phạm các quy định, nội quy của nghĩa trang.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ NGHĨA TRANG

Điều 6. Phân cấp quản lý nghĩa trang

1. UBND xã quản lý Nhà nước về nghĩa trang trên toàn địa bàn xã.

2. Ban vận động xây dựng làng văn hóa (nơi có nghĩa trang): Thực hiện quản lý nghĩa trang của làng theo sự phân công của UBND xã tại Quy chế này.

Điều 7. Nội dung quản lý nghĩa trang

1. Phổ biến, giám sát việc thực hiện Quy chế về quản lý và sử dụng nghĩa trang, các quy định của Pháp luật có liên quan;

2. Hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về vệ sinh trong các hoạt động táng cho người chết;

3. Bảo đảm về vệ sinh môi trường trong nghĩa trang;

4. Giám sát, quản lý hoặc trực tiếp cung cấp các dịch vụ nghĩa trang;

5. Ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm; báo cho các cơ quan chức năng các hành vi vi phạm nghiêm trọng để giải quyết kịp thời;

6. Quản lý sử dụng đất, xây dựng phần mộ, bia mộ, lăng mộ và các công trình trong nghĩa trang tuân theo quy hoạch xây dựng, quy chế quản lý nghĩa trang đã được phê duyệt;

Điều 8. Bảo vệ, chăm sóc, tu bổ nghĩa trang

1. Thường xuyên chăm sóc, bảo quản phần mộ. Khi phát hiện ra những hiện tượng bất thường liên quan đến phần mộ như: mất trộm, xuống cấp, hư hỏng đơn vị quản lý nghĩa trang có trách nhiệm báo ngay cho thân nhân của người được táng và các cơ quan chức năng theo thẩm quyền giải quyết.

2. Kiểm tra và ngăn chặn kịp thời các hành vi gây ảnh hưởng đến nghĩa trang và người sử dụng dịch vụ nghĩa trang.

3. Chăm sóc, trồng cây cảnh, cây xanh, làm sạch đẹp môi trường, cảnh quan trong nghĩa trang.

4. Kiểm tra và đề xuất việc tu bổ, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, nghĩa trang.

Điều 9. Vệ sinh trong các hoạt động an táng và vệ sinh môi trường trong nghĩa trang.

1. Mỗi thôn tổ chức cử đội vệ sinh môi trường khu vực nghĩa trang hoặc giao cho người quản trang, để giao trách nhiệm cho gia đình, giám sát việc làm vệ sinh sạch sẽ ngay sau mỗi lần tổ chức mai táng, cát táng. Ít nhất 3 tháng 1 lần phải tổ chức làm vệ sinh khuôn viên và khu vực nghĩa trang.

2. Các hộ gia đình khi tiến hành mai táng, cát táng phải lấy hết các vật liệu như: gỗ ván, quần áo lên khỏi hố táng, thu gom lại nơi quy định và san lấp trả lại mặt bằng khu vực phần mộ mới cất bốc.

3. Việc xử lý vật liệu, rác thải sau khi mai táng, cát táng do gia đình thân nhân người mai táng cát táng thực hiện đồng thời ban quản trang phải kiểm tra, giám sát và nhắc nhở đảm bảo vệ sinh môi trường.

Điều 10. Sử dụng đất trong nghĩa trang.

1. Việc sử dụng đất trong nghĩa trang phải theo đúng quy hoạch, theo vị trí khu mộ, hàng mộ và phần mộ. Sử dụng đất mai tang phải đúng mục đích, đúng đối tượng.

Việc sử dụng đất nghĩa trang phải được sự đồng ý thống nhất từ gia đình thân nhân đến ban quản trang, thôn, xã. Khi gia đình có nhu cầu về việc cải táng, quy tập, xây dựng mộ, khu mộ phải có báo cáo hoặc đơn được xác nhận nhất trí của cấp ủy ban thôn sau đó gửi về UBND xã qua công chức văn hóa – xã hội để báo cáo UBND xã xem xét quyết định; thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày UBND xã nhận được đề nghị.

2. Việc giao đất mai táng trong nghĩa trang thực hiện lần lượt theo khu, hàng có trật tự đã định trước, không được tự ý lựa chọn khu đất mai táng.

3. Không giao đất mai táng cho các đối tượng chưa có nhu cầu.

4. Không giao đất cho các đối tượng không có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Trường hợp người chết có quê quán tại địa phương nhưng cư trú ở địa phương khác, có nhu cầu mai táng tại nghĩa trang trên địa bàn xã Tiến Lộc thì thân nhân phải có đơn gửi UBND xã. Khi được UBND xã đồng ý thì mới được thực hiện, gia đình thân nhân phải thực hiện đảm bảo vệ sinh môi trường, dịch vụ an táng, chôn cất và các khoản đóng góp theo hương ước của thôn.

5. Phần đất nơi huyệt mộ sau khi cải táng tối thiểu là 12 tháng mới được tái sử dụng vào mục đích mai táng.

6. Diện tích tối đa cho mỗi mộ hung táng không quá 5,0 m2 khoảng cách mộ cách mộ là 1,2 m, hàng mộ cách hàng mộ là 1,5 m;

Diện tích mỗi mộ cát táng tối đa không quá 2m2, khoảng cách mộ cách mộ là 0,3m, hàng mộ cách hàng mộ là 0,7m (Trừ các ngôi mộ hiện hữu đã cát táng, đã xây dựng trong nghĩa trang). Đối với diện tích cấp cho các hộ gia đình nhiều thế hệ, dòng họ cát táng phải có từ 06 mộ phần trở lên diện tích tối đa không quá 30 m2, khuyến khích các dòng họ tập trung các mộ nhỏ lẻ về một khu để thuận tiện cho việc thăm viếng, hương khói, chăm sóc và đảm bảo cảnh quan. (áp dụng cho các dòng họ lớn thật sự nhu cầu cấp thiết).

Điều 11. Xây mới, tu bổ phần mộ, lăng mộ trong nghĩa trang

1. Việc xây mới, tu bổ phần mộ, bia mộ, trồng cây trong nghĩa trang phải được sự chấp thuận của đơn vị quản lý nghĩa trang, thôn trưởng, UBND xã.

2. Việc xây mới, tu bổ mộ tuyệt đối không được làm ảnh hưởng đến các phần mộ xung quanh và cảnh quan chung của nghĩa trang.

3. Các phần mộ trong một khu mộ phải bố trí cách đều nhau. Khoảng cách tối đa giữa hai hàng mộ là 0,8 m; khoảng cách tối đa giữa hai mộ trong một hàng là 0,4m.

4. Chiều cao tối đa cho một ngôi mộ là 2 m (tính từ mặt đất, kể cả phần trang trí); lăng mộ cao không quá 3,5m.

5. Hướng, kích thước, kiểu dáng các mộ, bia mộ phải tuân thủ theo các quy định của đơn vị trông coi, sắp xếp hoặc quản lý nghĩa trang.

6. Đơn vị trông coi, sắp xếp hoặc quản lý nghĩa trang có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây mới, tu bổ phần mộ trong nghĩa trang theo đúng quy định.

Điều 12. Kinh phí quản lý nghĩa trang

1. Kinh phí quản lý nghĩa trang được lấy từ nguồn xã hội hóa của nhân dân địa phương, hoặc thu dịch vụ nghĩa trang (do thôn bàn bạc thống nhất với nhân dân và phải được UBND xã xem xét).

2. Khi có kế hoạch xây dựng, sửa chữa lớn, Ban quản trang báo cáo với thôn trưởng, Ban vận động xây dựng làng văn hóa để bàn bạc, thống nhất với nhân dân việc đóng góp và báo cáo về UBND xã để xem xét, giải quyết, quyết định.

3. Việc quy định dịch vụ nghĩa trang do làng văn hóa thống nhất với nhân dân sau khi được nhân dân bàn bạc và nhất trí trong thôn trên cơ sở lấy thu bù chi và báo cáo với Ủy ban nhân dân xã xem xét quyết định đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Chương III

QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ NGHĨA TRANG

Điều 13. Quyền lợi của người sử dụng dịch vụ nghĩa trang

1. Yêu cầu đơn vị quản lý nghĩa trang cung cấp các dịch vụ nghĩa trang đúng theo quy định.

2. Thăm viếng, chăm sóc mộ theo quy định của đơn vị quản lý nghĩa trang.

3. Hưởng các quyền lợi trong thỏa thuận với đơn vị quản lý nghĩa trang.

Điều 14. Trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ nghĩa trang

1. Tuân thủ các quy định của Quy chế quản lý, sử dụng nghĩa trang và các quy định của pháp luật.

2. Thực hiện các trách nhiệm theo thỏa thuận với đơn vị quản lý nghĩa trang.

3. Cung cấp lý lịch mộ để đơn vị quản lý nghĩa trang lập hồ sơ quản lý.

4. Tham gia, đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề liên quan đến nghĩa trang.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Xử lý những tồn tại trong việc quản lý nghĩa trang

1. Đối với khu hung táng tại các nghĩa trang.

- Ủy ban nhân dân xã giao thôn trưởng các thôn tổ chức họp nhân dân sắp xếp, bố trí hàng mộ, phần mộ, khu mộ trong khu vực nghĩa trang sao cho đảm bảo phù hợp với Quy chế và thuần phong mỹ tục của địa phương. Ngay sau khi quy chế có hiệu lực thi hành, yêu cầu tất cả các mộ hung táng mới phát sinh phải được táng theo quy hoạch hàng mộ, phần mộ, khu mộ theo quy định

- Đối với những mộ đã táng trước, chưa theo quy hoạch bố trí, sắp xếp thì khi cát táng trả lại mặt bằng nguyên trạng cho nghĩa trang.

2. Đối với khu cát táng.

UBND xã cử cán bộ phối hợp với các thôn, Ban quản trang rà soát, vẽ sơ đồ vị trí, diện tích khu đất cát táng được giao cho từng dòng họ để quản lý. Khi cấp đất cát táng cho các dòng họ công chức địa chính, trưởng thôn và ban quản trang phải báo cáo UBND xã và được đồng ý thì mới tiến hành giao đất. Hàng năm, UBND xã khảo sát lập kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đường đi, trồng cây xanh, định kỳ tổng dọn vệ sinh trong khu vực phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Việc xây mới, tu bổ các phần mộ trong khu cát táng chỉ được tiến hành khi có sự đồng ý của đơn vị trông coi, sắp xếp, quản lý nghĩa trang, Thôn trưởng và UBND xã.

3. Đối với các phần mộ không nằm trong các nghĩa trang đã được xác định vị trí, ranh giới (nếu có).

a) UBND giao các Ban vận động xây dựng làng văn hóa thống kê danh sách các phần mộ không nằm trong các nghĩa trang đã được xác định vị trí, ranh giới;

Các phần mộ này khi cải táng phải di chuyển vào trong các nghĩa trang tập trung theo quy hoạch;

b) Đối với các phần mộ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, môi trường, khuyến khích thân nhân di chuyển phần mộ vào trong các nghĩa trang tập trung;

c) Đối với các mộ vô chủ hoặc không còn thân nhân chăm sóc, trường hợp hết thời hạn táng theo quy định, đơn vị trông coi nghĩa trang được phép di chuyển mộ tới vị trí khác trong nghĩa trang hoặc tới các nghĩa trang khác theo quy hoạch.

Điều 16. Khen thưởng và xử lý các hành vi vi phạm.

1. Cá nhân, tập thể có những đóng góp tiêu biểu vào việc quản lý, xây dựng nghĩa trang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét khen thưởng.

2. Các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy chế tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Trách nhiệm của cán bộ, công chức.

1. Công chức văn hóa xã hội

a) Tham mưu chi Ủy ban nhân dân xã về các vấn đề liên quan đến nghĩa trang;

b) Theo dõi, quản lý các hoạt động về quản lý và sử dụng nghĩa trang trên địa bàn xã;

c) Chủ trì, phối hợp với các bộ phận có liên quan hướng dẫn, đôn đốc các thôn, các ban quản trang triển khai thực hiện quy chế này;

d) Phối hợp cùng công chức chuyên môn, tham mưu cho UBND xã thanh, kiểm tra, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang;

đ) Phối hợp công chức địa chính xây dựng đề xuất việc cải tạo, nâng cấp nghĩa trang;

e) Tổng kết, đánh giá việc quản lý và sử dụng nghĩa trang, báo cáo Ủy ban nhân dân xã;

f) Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các hình thức táng văn minh, tiết kiệm đất, bảo vệ môi trường.

2. Công chức địa chính - xây dựng

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã về quy hoạch, xây dựng hệ thống các khu chức năng trong các nghĩa trang trên địa bàn xã;

b) Hướng dẫn về kiểu dáng, kích thước mộ và các công trình trong nghĩa trang;

c) Phối hợp cùng công chức chuyên môn, tham mưu cho UBND xã thanh, kiểm tra, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang;

d) Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân xã về tình hình quy hoạch và xây dựng trong các nghĩa trang;

3. Công chức Tài chính - Kế toán:

a) Tham mưu cho UBND xã về các vấn đề tài chính trong việc quản lý và sử dụng nghĩa trang.

Điều 18. Trách nhiệm của các làng văn hóa được giao quản lý nghĩa trang

1. Xây dựng quy chế trông coi nghĩa trang chi tiết về các hoạt động trong nghĩa trang. Bố trí, sắp xếp khu mộ, hàng mộ trong nghĩa trang, trình Ủy ban nhân dân xã xem xét báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Quản lý nghĩa trang theo các quy định của nhà nước, Quy chế của Ủy ban nhân dân xã và Quy định chi tiết về các hoạt động trong nghĩa trang đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Tổ chức hội nghị nhân dân để bàn, thống nhất các nội dung liên quan đến: việc vệ sinh môi trường, cử người trông coi (quản trang), an táng, chôn cất, đồng thời niêm yết danh mục dịch vụ nghĩa trang cho đối tượng sử dụng (nếu có). Hướng dẫn người sử dụng dịch vụ nghĩa trang.

4. Tham mưu kịp với ủy ban nhân dân xã về các vấn đề liên quan đến nghĩa trang.

5. Trông coi chặt chẽ khu vực nghĩa trang nhằm phát hiện các hành vi như: môi giới, thu phí sai quy định, mua bán đất nghĩa trang trái phép. Kịp thời báo cáo cơ quan chức năng xử lý.

6. Thực hiện báo cáo định kỳ (6 tháng, một năm) về tình hình quản lý sử dụng nghĩa trang về ủy ban nhân dân xã qua công chức địa chính xây dựng.

Điều 19. Điều khoản thi hành

1.     Quy chế này được tổ chức thảo luận, bàn bạc và đi đến thống nhất.

          2. Trong quá trình thực hiện Quy chế sẽ được bổ sung, sữa đổi, bãi bỏ do không còn đúng với quy định của pháp luật hiện hành hoặc không còn phù hợp với thực tiễn của địa phương./.                                                                         

 

           

 

 

 

 

 

                                                                            

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TIẾN LỘC - HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: HOÀNG TRỌNG DẦN - CHỦ TỊCH UBND XÃ

Địa chỉ: Xã Tiến Lộc - Huyện Hậu Lộc - Tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0917.848.345

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa