Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Hương ước làng văn Hóa Thôn Sơn

HƯƠNG ƯỚC Thôn Sơn, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa (Ban hành kèm theo quyết định số:632/QĐ-UBND ngày 11/3/2019 của UBND huyện Hậu Lộc về việc công nhận Hương ước thôn Sơn, xã Tiến Lộc)

UBND XÃ TIẾN LỘC

THÔN SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

--------------

HƯƠNG ƯỚC

Thôn Sơn, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

(Ban hành kèm theo quyết định số:632/QĐ-UBND ngày 11/3/2019 của

UBND huyện Hậu Lộc về việc công nhận Hương ước thôn Sơn, xã Tiến Lộc)

 

LỜI NÓI ĐẦU

Làng Sơn xã Tiến Lộc, trước cách mạng tháng 8/1945 còn có tên là Tất Tác Sơn thuộc xã Tất Tác, là một trong các làng lớn của xã, tọa lạc ở trung tâm xã; có lịch sử hình thành cách đây trên dưới một ngàn năm.

Điều đặc biệt, dù ở một vùng đồng bằng Làng Sơn đã được thiên nhiên ban tặng cho một hòn núi đá phấn ngay cạnh làng có chu vi khoảng 2.000m, cao trung bình 50m. Trên đỉnh núi là ngôi chùa Sơn (Báo Ân Tháp Tự) được xây dựng vào thời Lý (khoảng 1070 – 1080). Dưới chân núi phía tây là dòng Sông Ấu, phía đông là chợ Sơn được hình thành cách đây khoảng 300 năm.  Như câu ca:

Làng Sơn có núi có sông

Có chùa có chợ có đồng lúa xanh

Hiện tại làng có 27 dòng họ, gồm 457 hộ với 1.288 khẩu được chia thành 11 ngõ xóm. Tổng diện tích địa dư làng là 115 ha, trong đó có 94,4 ha đất canh tác.

Từ xa xưa nhân dân làng Sơn đã sinh sống bằng 2 nghề chính là làm ruộng và làm rèn. Trong hàng trăm năm, tùy theo biến động của thời cuộc mà nghề rèn lúc thăng, lúc trầm song bao giờ cũng là nguồn thu chính trong kinh tế của mỗi hộ gia đình. Đặc biệt từ khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới, thế mạnh và tiềm năng của nghề rèn đã được phát huy cao độ. Đây là thuận lợi cơ bản để làng Sơn vươn lên xóa đói, giảm nghèo và nhanh chóng làm giàu.

Trong ngót ngàn năm hình thành và phát triển, nhân dân làng Sơn đã luôn mang trong mình truyền thống yêu nước nồng nàn. Trong mọi triều đại đã cùng dân tộc dũng cảm kiên cường chống giặc ngoại xâm, hăng hái tham gia công cuộc xây dựng đất nước. Từ năm 1945 dưới chính quyền cách mạng, nhân dân làng Sơn đã một lòng theo Đảng, đã có những đóng góp to lớn cả sức người, sức của cùng dân tộc trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hoàn thành mục tiêu giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên con đường xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.

Làng Sơn – cội nguồn của nhiều dòng họ, bao đời người đã sinh ra và lớn lên tại đây - trải ngót ngàn năm không ngừng được các thế hệ cháu con xây dựng bồi đắp. Bộ mặt làng xóm hôm nay đã có nhiều thay đổi to lớn. Từ đầu làng tới cuối xóm, nhà tầng mọc lên san sát. Từ những năm 90 của thế kỷ 20 nhà tranh tre đã không còn. Đường làng ngõ xóm, một phần đường giao thông nội đồng đã được bê tông hóa, có điện lưới quốc gia và là một trong các xã đầu tiên của huyện có nước sạch. Các di tích Đình chùa được trùng tu tôn tạo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện tốt hơn, cao hơn. Năm 2001 làng được công nhận: Làng văn hóa cấp tỉnh.

Những năm gần đây, đất nước ta đang thực hiện quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng với rất nhiều thành tựu trên các lĩnh vực chính trị an ninh, kinh tế và văn hóa xã hội. Để nhịp bước tiến lên cùng đất nước, để giữ gìn bảo vệ và bồi đắp thêm những giá trị tinh thần, vật chất và những truyền thống quý báu của làng… trong giai đoạn mới mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân làng Sơn cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước vận hội mới của xóm làng, trước tương lai của con cháu. Nhắc nhở bảo ban nhau thực hiện nghiêm túc các nội dung của Bản hương ước này làm cơ sở vững chắc để thực hiện tốt phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; góp phần tập hợp nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo đảm và phát huy quyền tự do dân chủ của nhân dân, chấp hành đúng quy định của Pháp luật; xây dựng làng chuẩn nông thôn mới và phát triển ổn định bền vững trong một tương lai tươi sáng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Bản hương ước này được nhân dân làng Sơn xây dựng; quy định về những chuẩn mực ứng xử của các hộ gia đình, cá nhân trong sinh hoạt, sản xuất; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn Làng Sơn, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy ước này được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp; các hộ gia đình, cá nhân đang lao động, sinh sống, quan hệ, giao dịch với nhân dân Làng Sơn. Không phân biệt giới tính, độ tuổi, trình độ, dân tộc, văn hóa, tôn giáo, hộ khẩu thường trú hay tạm trú trên địa bàn Làng Sơn, xã Tiến Lộc.

Chương II

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN

Điều 3. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

1. Chế độ hội họp: Để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân vào những công việc của làng, hàng năm làng thường triển khai các hội nghị. Khi có thông báo đề nghị các hộ gia đình cử người đại diện tham gia hội nghị của làng đầy đủ, nghiêm túc và đúng thành phần.

2. Những hoạt động cộng đồng.

 Về điện chiếu sáng tập thể, công cộng. Làng đã phát động và nhân dân đồng tình ửng hộ việc bố trí, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng công cộng trong từng đường làng, ngõ xóm. Hàng đêm duy trì chiếu sáng công cộng 4giờ/ đêm, dịp lễ, tết chiếu sáng 8 giờ/ đêm, ngày mùa phục vụ thu hoạch xong (tối đa 8 đêm), các hộ gia đình có việc hiếu, việc hỷ có nhu cầu sử dụng điện chiếu sáng cả làng phải đăng ký với thôn trưởng hoặc tổ điện để được phục vụ và thanh toán trực tiếp  theo hợp đồng. ( Khi nhân dân ở các ngõ xóm có nhu cầu thay đổi các nội dung của quy định trên phải có đơn gửi trưởng thôn và ngành điện để được xem xét giải quyết).

3. Kinh phí hoạt động của làng (quỹ làng) được lập bởi sự đóng góp của nhân dân trong làng trong mục thu văn hoá làng, sự hỗ trợ, ủng hộ  của con, em trong làng làm ăn xa quê hương có tâm huyết với làng; được sử dụng vào hoạt động tập thể của làng như: chi tổ chức hội trại hè cho thiếu nhi hàng năm, chi hỗ trợ thưởng đỗ đạt, chi hội họp làng, lễ hội, khen thưởng các gia đình, cá nhân thực hiện tốt hương ước, hỗ trợ tuyên truyền bảo vệ môi trường.

Điều 4. Về phát triển kinh tế

1. Tất cả tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong Làng tích cực tăng gia sản xuất phát triển kinh tế để nâng cao mức sống gia đình, đồng thời giúp đỡ các hộ gia đình xung quanh vươn lên để không còn hộ đói nghèo, có thu nhập ổn định, có mức sống tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức bình quân của địa phương.

2. Mọi gia đình, cá nhân tích cực lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, quản lý và sử dụng đất đai có hiệu quả theo hướng dẫn của chính quyền địa phương. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình, cá nhân cần áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả lao động.

3. Khuyến khích mọi người, mọi nhà làm giàu chính đáng, phát triển ngành nghề và mọi hình thức làm kinh tế nhưng phải chấp hành đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và chịu sự quản lý của chính quyền địa phương.

4. Làng tôn trọng và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nghề rèn như: điều kiện để tiếp cận các tiến bộ về công nghệ, tiếp cận nguồn vốn vay, quy hoạch  khu vực xây dựng làng nghề tập trung. Khuyến khích các hộ gia đình chủ động sáng tạo ứng dụng các công nghệ hiện đại; gương mẫu, đi đầu trong việc cơ giới hoá, chuyên môn hoá, các công đoạn sản xuất cơ khí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

 Điều 5. Xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ công trình công cộng

1. Tất cả mọi người tích cực hưởng ứng và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới; tích cực đóng góp công sức lao động để xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng trên địa bàn.

2. Khi xây dựng cơ sở hạ tầng của làng phải tiến hành các hoạt động theo đúng quy hoạch, trình tự của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Khi các hộ gia đình xây dựng các công trình là nhà ở, hàng rào... không được lấn chiếm đất láng giềng, đất công, không làm ảnh hưởng tới công trình lân cận, bảo đảm an toàn cho công trình của nhà nước, tập thể, nhân dân.

3. Các khoản đóng góp xây dựng và bảo vệ các công trình công cộng, xây dựng cơ sở vật chất chung phải được bàn bạc thống nhất thông qua cuộc họp của toàn thể nhân dân và được đa số các hộ gia đình, đại diện hộ gia đình nhất trí. Các hộ gia đình, cá nhân cần nghiêm túc thực hiện, đóng góp kịp thời, không làm ảnh hưởng đến kế hoạch xây dựng công trình chung.

4. Các hộ gia đình, cá nhân cùng có trách nhiệm bảo vệ các công trình công cộng như: trụ sở, nơi làm việc của các cơ quan, đơn vị, trường học, nhà văn hóa, sân vận động, đường giao thông, di tích văn hóa, đường dây tải điện, hệ thống truyền thanh, hệ thống tiêu thoát nước và các công trình phụ trợ khác; đồng thời ngăn chặn, tố giác kịp thời các hành vi phá hoại các công trình văn hóa và công cộng tại địa phương.

5. Không sử dụng lòng lề đường để phơi, tập kết các loại nông sản, để kinh doanh, để vật liệu xây dựng; không để xe ô tô, phương tiện giao thông cỡ lớn, máy công trình dài ngày trên đường làng gây ảnh hưởng đến giao thông nông thôn.

Điều 6. Giáo dục, y tế.

1. Phát triển sự nghiệp giáo dục

a) Tất cả trẻ em được đi học đúng độ tuổi, không để trẻ em bỏ học.

b) Tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, động viên những em học giỏi, giúp đỡ các em nghèo đến trường và học lên trình độ cao hơn.

2. Tổ chức thực hiện các hoạt động y tế

a) 100% phụ nữ và trẻ em trong diện tiêm chủng phải được tiêm chủng đúng quy định của cơ quan y tế, thực hiện công tác phòng chống các dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế trên địa bàn.

b) Khi bị ốm, mọi người phải đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế và không dùng các biện pháp cúng bái thay thế việc chữa trị y học.

Điều 7. Văn hóa, xã hội.

1. Phát triển hoạt động văn hóa

a) Thực hiện tốt 5 nội dung của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; tham gia đầy đủ các hoạt động trong ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" ở khu dân cư hằng năm.

b) Phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa, dân tộc.

c) Nhiệt tình, hăng hái tự nguyện tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hội thi… do làng, xã tổ chức.

đ) Hưởng ứng việc treo ảnh chân dung Bác Hồ ở nơi trang trọng trong gia đình và treo cờ tổ quốc vào các ngày lễ tết theo quy định.

2. Xây dựng gia đình văn hóa:

a) Tất cả các hộ gia đình đều đăng ký xây dựng gia đình văn hóa theo các tiêu chí đã quy định. Mọi thành viên trong gia đình có trách nhiệm quan tâm, thương yêu, chăm sóc và giúp đỡ lẫn nhau; thực hiện bình đẳng giới, không có bạo lực gia đình.

b) Các cặp vợ chồng có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, chỉ nên sinh từ 1-2 con.

c) Cán bộ, nhân dân trong thôn bàn bạc việc đóng góp xây dựng quỹ khuyến học của thôn, xã, khuyến khích lập quỹ khuyến học ở các dòng họ. Để khuyến khích việc học, hàng năm vào ngày 01/9 dương lịch làng tổ chức lễ trao giải thưởng cho các cháu học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, các học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện trở lên trong năm. Làng sẽ lập sổ vàng truyền thống để ghi tên những con em của làng thành đạt và có nhiều đóng góp công, của xây dựng làng (Mức thành đạt lấy chuẩn từ cấp Phòng và tương đương trở lên, người có học hàm, học vị các danh hiệu được nhà nước phong tặng)

3. Việc cưới:

a) Trước khi tổ chức lễ cưới, các đôi nam nữ phải đến đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

b) Không tổ chức lễ ăn hỏi, lễ cưới linh đình gây lãng phí tốn kém;

c) Không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống và ép gả.

4. Việc tang:

Nghĩa tử là nghĩa tận, khi trong làng có một người qua đời chúng ta mất đi một thành viên của làng mà không bao giờ còn được gặp lại. Vì lẽ đó, đến phúng viếng, tiễn đưa người quá cố về nơi an nghĩ cuối cùng là trách nhiệm và là tình cảm thiêng liêng của chúng ta giành cho họ. Mỗi gia đình bố trí một thành viên tham dự và tiễn đưa đám tang người quá cố.

 a) Khi có người qua đời, người thân trong gia đình phải đến Ủy ban nhân dân xã đăng ký khai tử theo quy định.

b) Cấp ủy, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể có trách nhiệm phối hợp với Trưởng thôn giúp đỡ gia đình có người qua đời tổ chức tang lễ chu đáo, tiết kiệm và văn minh, thời gian quản thi hài tại gia đình không quá 48 giờ. Đối với người chết do bệnh truyền nhiễm, thời gian quản thi hài không quá 24 giờ.

c) Nhạc đám hiếu khuyến khích dùng băng đĩa, không cử nhạc từ sau 22h đêm – 06 h sáng hôm sau.

d) Làng khuyến khích hoả táng thay cho chôn cất truyền thống (Có hỗ trợ của Nhà nước).

          Việc hung táng phải tuân theo hướng dẫn của người quản trang nhằm đảm bảo đúng quy hoạch, phù hợp với điều kiện thực tế vào từng thời điểm cụ thể.

          Việc cát táng phải tuân theo các quy định sau:

- Quá trình khai quật mộ ( đào lấy cốt) không làm ảnh hưởng tới các phần mộ xung quanh. Xong việc phải san lấp trả lại mặt bằng, thu gọn sạch sẽ ván hòm, các loại vật liệu không sử dụng nữa; tiêu huỷ sạch các đồ tuỳ táng tại khu vực nghĩa trang đã quy định.

- Diện tích mộ cát táng tối đa 3m2  cho mỗi mộ. (Theo quy hoạch của địa phương)

Nếu cá nhân, hộ gia đình, giòng họ nào vi phạm các quy định trên đều phải chịu xử lý buộc hoàn thành các nội dung trên và xử lý vi phạm theo quy định của hương ước.

e) Một số quy định về Nghĩa trang.

- Để nghĩa địa của làng từng bước được quy hoạch gọn gàng, quy củ, khắc phục tình trạng lộn xộn, vô tổ chức, việc sử dụng nghĩa địa (đặt mộ, xây tường bao, trồng cây) phải báo cáo cán bộ thôn và bộ phận quản trang

- Khi các gia đình có ý định xây dựng, quy tập khu mộ của gia đình, giòng họ phải báo cáo với chi trưởng Hội người cao tuổi, trưởng thôn để được hướng dẫn và giám sát, diện tích mỗi phần mộ cát táng không quá 3m2, khu mộ của mỗi một gia đình, dòng họ lớn diện tích tối đa không quá 25 m2.

Các khu dự định xây mới khi đã có 1-2 mộ cát táng trở lên phải có đơn gửi lãnh đạo, chính quyền thôn để xem xét và quyết định trên cơ sở quy hoạch dài hạn, thống nhất cho các hộ gia đình trong trật tự chung của bái nghĩa địa.

 Những người con của làng đã thoát ly quê hương lập nghiệp nơi khác, khi qua đời gia đình muốn đưa về nghĩa địa của làng để mai táng, cát táng phải báo cáo về thôn trưởng và được sự thống nhất, hướng dẫn của ban thôn.

- Nghiêm cấm các trường hợp các trường hợp xây bao, chiếm đất khi chưa có mộ táng, hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp luật.

5. Thực hiện đền ơn, đáp nghĩa và tương trợ lẫn nhau.

a) Thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Cùng nhau xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa.

b) Khuyến khích gia đình có điều kiện giúp đỡ, nuôi dưỡng người già neo đơn, trẻ mồ côi.

c) Các hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm hỗ trợ nhau khắc phục khó khăn khi gặp thiên tai, lũ lụt theo sự hướng dẫn của các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương.

6. Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo:

a) Mỗi cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm củng cố phát triển khối đại đoàn kết dân tộc.

b) Sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh, đúng quy định của pháp luật.

c) Đấu tranh phòng chống các hoạt động lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, kích động chống phá chính quyền, tuyên truyền, lôi kéo gây mâu thuẫn, mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

7. Phòng chống hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan trong sinh hoạt văn hóa tâm linh

Các sinh hoạt văn hóa tâm linh, thờ cúng phải phù hợp với phong tục tập quán, bảo đảm phát huy truyền thống văn hóa. Không được lợi dụng các sinh hoạt văn hoá, lễ hội, văn hóa tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan.

Về lễ hội: Làng đã phục dựng và sẽ duy trì thường xuyên hai kỳ tế: Tế kỳ phúc ( khai sáng) vào ngày rằm tháng giêng và tế Kị Thành Hoàng Làng vào ngày mùng 8/6 âm lịch, đây là hai dịp lễ trọng hàng năm của làng vì vậy cần được tổ chức thành kính và nghiêm túc. Lãnh đạo, chính quyền thôn cùng toàn thể nhân dân cần, ghi nhớ, quan tâm giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức. Các cụ ông đăng ký tham gia kỳ tế phải có trách nhiệm góp công sức của mình vào công việc chung. Tuỳ điều kiện mà các hoạt động thể thao văn hoá, văn nghệ có thể được tổ chức trong các ngày tế lễ này.

Về hoạt động Chùa Sơn – Báo Ân Tháp Tự:

Chùa Sơn là nơi trang nghiêm thờ phật khuyến khích dân làng, khách thập phương đến thắp hương, vãn cảnh chùa và nghè thờ Thành hoàng làng, Làng sẽ cắt cử người trực, tăng cường lực lượng bảo vệ những ngày tết, ngày lễ lớn để đảm bao an toàn cho Chùa và người hành lễ. Khách đến lễ chùa phải chấp hành nghiêm nội quy của Chùa, nghiêm cấm việc lên đồng, bói toán, mê tín dị đoan.

Hàng năm, dịp giáp tết cổ truyền làng tổ chức gặp mặt thân mật giữa cán bộ và nhân dân trong làng, những người làng đi công tác, làm ăn xa về quê vui xuân, đón tết có tâm huyết với việc xây dựng phát triển làng để toạ đàm, giao lưu văn hoá, văn nghệ đón tết, mừng xuân.

Điều 8. Giữ gìn vệ sinh môi trường, giữ gìn sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh.

Giữ gìn và bảo vệ môi trường trong lành, xanh, sạch là yêu cầu bức thiết của thời cuộc, là trách nhiệm trước hết của mọi người về sự tồn vong dòng giống và sự phát triển bền vững của cộng đồng làng xã. Để duy trì đảm bảo việc bảo vệ môi trường làng đã tổ chức thành lập ban vệ sinh môi trường do y tá thôn phụ trách, thành lập, tổ vệ sinh môi trường để thu gom rác thải tập kết về nơi quy định.

 1. Mọi người dân trong làng phải để cao tinh thần trách nhiệm nhắc nhở các thành viên trong gia đình xây dựng nếp sống gọn, sạch, hợp vệ sinh trong mỗi nhà. Tham gia tích cực dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm theo lịch và công việc do ban vệ sinh quy định. Mỗi nhà đều có dụng cụ chứa rác thải để nơi thuận tiện cho tổ vệ sinh môi trường thu gom theo thời gian quy định, việc phân loại rác sẽ được xúc tiến để đến năm 2020 đi vào nề nếp với chương trình xử lý, tiêu huỷ rác thải. Các công trình: nhà tắm, nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi phải thiết kế hợp lý, khoa học, gọn sạch cho mỗi nhà; không làm ô nhiễm đến không khí, không gian của hàng xóm, láng giềng.

2. Một số quy định cần được thực hiện:

- Không chặt phá hoặc để gia súc phá hoại cây xanh nơi công cộng.

- Không gây tiếng ồn (từ hoạt động của máy móc, loa công suất lớn) ở khu dân cư trong thời gian từ 11h00” đến 13h30” buổi trưa và từ 22h00” đêm đến 05h00” sáng hôm sau), các cơ sở sản xuất sử dụng những loại máy, động cơ thường xuyên gây ra tiếng ồn lớn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân không được bố trí trong khu dân cư.

- Không xả khói máy, khói đốt có chưa chất độc hại, bụi máy xay sát, hướng đá mài quay trực tiếp ra đường làng, đường xóm.

- Không xả dầu thải, hoá chất ra đường làng, rãnh nước mương máng của làng.

- Không vứt xác súc vật chết tuỳ tiện nơi đầu làng, đầu xóm hoặc mương nước, ao hồ. Xác súc vật chết phải chôn cẩn thận tại nghĩa địa.

- Không buộc trâu, bò, đánh đống phân trên đường làng, ngõ xóm, không để chó, lợn phóng uế trên đường làng ngõ xóm.

- Không vứt bừa bãi chai lọ, bao bì thuốc trừ sâu trên đường, trên đồng và dưới mương nước, rác thải loại này cần được bỏ vào các thùng chứa nơi quy định.

- Không đánh bắt cá bằng các thiết bị sử dụng xung điện.

Mỗi hành vi vi phạm các quy định trên đều buộc phải bồi thường, khắc phục hậu quả; các thiết bị đánh bắt cá, chim có tính chất huỷ diệt đều bị tịch thu, tiêu huỷ.

Điều 9. Bảo vệ và phát triển rừng

Tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng; tham gia vào các tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng theo chương trình kế hoạch của xã. Tích cực và tự nguyện tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng. Không gây ra cháy rừng, không chặt phá rừng, không tàng trữ, buôn bán, vận chuyển lâm sản, săn bắn động vật rừng, phát nương trái phép. Không chứa chấp các đối tượng từ địa phương khác đến cư trú, khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Kịp thời ngăn chặn và báo cho chính quyền khi phát hiện các hành vi vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Điều 10. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội

1. Về quốc phòng, an ninh.

a) Gia đình và cộng đồng dân cư có trách nhiệm động viên con em mình đến tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự và chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật.

b) Cùng nhau xây dựng, củng cố tổ an ninh nhân dân và các mô hình quần chúng tự quản bảo vệ an ninh tổ quốc.

2. Giữ gìn trật tự an toàn xã hội

a) Mọi người có trách nhiệm xây dựng và ..giữ gìn an ninh trật tự trong làng. Không phát ngôn trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của quê hương, đất nước.

b) Mọi người thực hiện không kích động, gây rối làm mất trật tự, mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Không sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép các loại hàng cấm, hàng lậu, hàng giả và các chất ma túy, vũ khí, vật liệu nổ. Không đánh bạc, tổ chức đánh bạc, chứa bạc dưới mọi hình thức.

c) Các hộ gia đình, cá nhân đều tham gia đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, trộm cắp, rượu chè bê tha, sử dụng trái phép ma túy, mại dâm, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy. Cam kết bài trừ các phong tục tập quán lạc hậu, làm lành mạnh các sinh hoạt văn hóa tinh thần trong nhân dân. Đấu tranh với các hành vi trộm cắp tài sản của nhà nước, của tập thể và của nhân dân.

d) Thực hiện đã uống bia, rượu thì không điều khiển mô tô, xe máy, ô tô tham gia giao thông; chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông.

đ) Khi phát hiện những người có hành vi vi phạm pháp luật phải báo ngay cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ an ninh.

e) Mọi tranh chấp về quyền lợi, mâu thuẫn cá nhân phải được hòa giải ở thôn, làng.

 3. Về đăng ký, quản lý hộ tịch

a) Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký thường trú, tạm trú theo pháp luật hiện hành.

b) Khai báo và đăng ký kịp thời các thay đổi về nhân khẩu, hộ tịch.

4. Tuyên truyền phổ biến pháp luật

a) Định kỳ hàng quý, Trưởng thôn tổ chức phổ biến các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước để nhân dân biết và thực hiện.

b) Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật là nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên trong sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Các tổ chức, gia đình và cá nhân trên địa bàn đều phải tham gia và nghiêm túc thực hiện.

Điều 11. Phòng chống cháy, nổ

1. Mọi người, mọi nhà đều phải có ý thức phòng cháy, chữa cháy. Không để trẻ em chơi, nghịch lửa. Khi xảy ra hỏa hoạn, các gia đình, cá nhân phải cùng nhau cứu hỏa.

2. Các hộ dùng điện phải sử dụng thiết bị điện bảo đảm an toàn. Chấp hành nghiêm các quy định của ngành điện về an toàn sử dụng điện. Không được buộc trâu, bò, ngựa.. .vào cột điện. Không thả diều, đá bóng... gần hoặc dưới đường dây điện.

3. Cột mắc dây điện phải cao từ 4m đến 5m, chôn vững chắc, không được dùng dây trần để dẫn điện.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 12. Khen thưởng.

Hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và thực hiện Hương ước, Quy ước làng thì được ghi nhận công lao, thành tích vào sổ vàng truyền thống; được nêu gương người tốt, việc tốt tại cuộc họp thôn, trên hệ thống loa truyền thanh; được bình xét công nhận gia đình văn hóa; được khen thưởng bằng tiền, hiện vật hoặc công nhận các hình thức khen thưởng khác do cộng đồng công nhận; được đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Điều 13. Xử phạt vi phạm Quy ước.

Hộ gia đình, cá nhân nào vi phạm các điều khoản trong Quy ước thì tùy theo mức độ mà xử phạt bằng các hình thức phê bình, nhắc nhở hoặc đề nghị ử lý theo quy định của Pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Tổ chức thực hiện

1. Hương ước, Quy ước này thể hiện ý chí của toàn thể nhân dân trong Làng Sơn, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá được hội nghị toàn thể nhân dân nhất trí thông qua.

2. Trong quá trình thực hiện, Hương ước, Quy ước sẽ được sửa đổi, bổ sung khi có những nội dung không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của làng  theo nguyện vọng của nhân dân; việc sửa đổi, bổ sung Hương ước, Quy ước do hội nghị toàn thể nhân dân trong làng quyết định.

3. Sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, toàn thể các hộ gia đình, nhân dân trong làng có trách nhiệm thực hiện đúng theo những quy định tại Hương ước, Quy ước này./.         

Tiến Lộc, ngày    tháng 01 năm 2019

 

TRƯỞNG THÔN

 

 

 

 

 

TRƯỞNG BAN CTMT

 

 

 

 

 

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TIẾN LỘC - HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: HOÀNG TRỌNG DẦN - CHỦ TỊCH UBND XÃ

Địa chỉ: Xã Tiến Lộc - Huyện Hậu Lộc - Tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0917.848.345

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa